Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

SỰ ĐỔI MỚI CỦA KIÊN GIANG.

Từ trước ngày 22/1/2014 mỗi lần lưu thông của vùng bán đảo Cà Mau qua lại với vùng Tây Nam và TP Rạch Giá (Kiên Giang) tăng mạnh. Phà Tắc Cậu-Xẻo Rô nối liền huyện Châu Thành và huyện An Biên của tỉnh Kiên Giang. Đây là bến phà duy nhất ở miền Tây Nam bộ phải vượt qua hai con sông và chạy dọc một đoạn kênh. Đầu bờ Tắc Cậu cách bờ Xẻo Rô tầm hơn 2 km,
Phà Tắc Cậu còn có tên“chuyến phà về miệt thứ” bởi con phà sẽ đến một vùng đất có tên là: Miệt Thứ. Đây là tên chung chỉ vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá rồi quặt trái xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Toàn bộ vùng miệt thứ trải dài trên 30 km kể từ sông Cái Lớn tới trung tâm huyện An Minh, rộng chừng 15 km tính từ bờ biển vào đất liền. Người xưa theo mốc thứ tự của các con rạch đặt tên cho địa bàn, lần lượt là Thứ Hai, Thứ Ba… tới Thứ Mười Một. Lần hồi những “thứ” ấy được ráp với “miệt” (giống như miệt đồng, miệt vườn) trở thành “miệt thứ”. Vào dịp cao điểm có khi cả 8 chiếc phà của Phà Tắc Cậu (tải trọng 25tấn/chiếc) hoạt động hết công suất nhưng vẫn bị ùn ứ hàng cây số xe cộ ở hai bên bờ vào giờ cao điểm, mỗi lần về thăm quê Vĩnh Thuận tôi rất ngại, dù cùng tỉnh Kiên Giang nhưng phải thức từ 4, 5 giờ sáng mới không bị kẹt phà, về kịp đến nhà cúng cơm buổi trưa.
Nhưng năm nay tôi rất vui khi Cầu Cái Lớn - Cái Bé nối "con đường tơ lụa” của ĐBSCL đã được thông xe vào ngày 22/1/2014, hai cây cầu Cầu Cái Bé dài 519,05m và cầu Cái Lớn dài 719,1m, chuyến phà Tắc Cầu từ nay sẽ kết thúc hoạt động và đi vào lịch sử. Đây cũng nằm trong dự án đường Hành lang ven biển phía Nam thuộc Chương trình Hợp tác Tiểu vùng Sông Mekong mở rộng, nhằm mục tiêu thiết lập tuyến đường bộ quốc tế dài trên 1000 km nối các khu vực kinh tế quan trọng của ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan cùng các nước khác trong khu vực. Dự án nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế đối ngoại, hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực, củng cố an ninh quốc phòng và góp phần xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh biên giới phía Tây Nam Việt Nam. Con đường này được xem là con đường thứ hai kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, mở ra nhiều vận hội mới cho các địa phương có con đường đi qua. Đây là niềm vui cho nhân dân đồng bằng SCL nói riêng và là niềm vui của nước nói chung.