Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Một kĩ niệm khó quên


Một kĩ niệm khó quên

Image

Đêm 16/08/2012   Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu niên học mới hoặc dịp lễ 20/11 lòng tôi bồi hồi khó tả, tôi không thể quên được một kỉ niệm cách đây hơn 20 năm,  một em học sinh để lại trong tôi dấu ấn sâu sắc.
 Năm học 1990-1991, đó là năm thứ hai tôi vào nghề, mọi thứ đều còn rất mới mẻ, kinh nghiệm dạy học cũng như kinh nghiệm quản lý lớp chưa nhiều, năm học diễn ra được khoảng hơn hai tháng.
  Ngày hôm đó (một ngày đáng nhớ) – Vào giờ chơi tiết 2 buổi sáng, tôi đang ngồi nghỉ trong văn phòng trường, bổng em Cảnh- một học sinh của lớp tôi chủ nhiệm chạy lên nói với tôi.
-   Cô ơi bạn T uống thuốc tự tử trong lớp.
Tôi hốt hoảng, đưa mắt nhanh về phía lớp học thì thấy các em nháo nhào hẳn lên. Tôi cùng các GV đang nghỉ trong VP liền chạy nhanh qua lớp, thì thấy em T (em lớp trưởng mà tôi rất yêu mến) đang đập phá bàn ghế loạn xạ, vô thức mà toàn thân em đỏ như quả gấc chín, cả phòng học có một mùi hôi khó tả của thuốc sẹt 3 (loại thuốc diệt sâu thời đó). Cũng may mà trường tôi dạy gần bên trạm y tế, các thầy đã đưa em qua trạm xá, các cô y tá đã rữa ruột em rồi đưa cấp cứu ở bệnh viện tỉnh.
Sau đó tôi tìm hiểu thì mới biết được hoàn cảnh của em: Em vốn là con út một gia đình nghèo ở vùng nông thôn sâu, cha chết sớm, mẹ già yếu, em rất ham học, sống rất kín đáo, em tới trường luôn sạch sẽ gọn gàng, tươm tất. Là lớp trưởng- em rất năng động, học rất giỏi, luôn đi học đúng giờ và hay giúp đỡ người khác, thoạt nhìn không ai biết em là con nhà nghèo. Lúc đó mẹ em buột em phải thôi học vì không tiền cho em đóng học phí, mua tập sách, may quần áo (em chỉ có một bộ đồ đi học) và không có cơm gạo để ăn đi học, hơn nửa có vài bạn nam cùng trường chê cười em. Ngày hôm đó mẹ em mới bắt em thôi học thì em đến lớp, em hỏi mượn em G thủ quỹ lớp 5.000 đ và em gởi lại bạn giữ dùm một cây viết bơm mực (có giá trị khoảng 5.000 đ), sau đó em xuống chợ mua 1 chai thuốc Sẹt 3 nhỏ bằng ngón chân cái mà rất mạnh (ngày đó chưa có sự quản lý chặt những cơ sở bán thuốc trừ sâu), em uống ở chợ hơn nửa chai về đến trường uống phần còn lại, cũng là lúc thuốc thấm nên em bị mê sảng.
  Sau khi biết được hoàn cảnh của em tôi rất xúc động và cảm thấy mình có lỗi vô cùng, tại sao mình vô tâm đến thế ( đó cũng là một bài học cho tôi sau sự việc đó). Em nằm viện 3 tuần, tôi ra thăm rất thường xuyên, động viên an ủi em và gia đình, tôi vận động các em trong lớp, đồng thời các GV trong trường cũng góp tiền cho em thang thuốc, thế là em thoát khỏi tử thần, tôi động viên em tới trường và hứa sẽ xin Ban giám hiệu miễn hết tiền học cho em, tôi mua cho em một bộ đồ để em đi học, nhưng em không chịu đi học nửa vì sợ đi học thua bạn bè và em muốn ở nhà giúp mẹ.
Tôi cũng thường đến nhà thăm em động viên an ủi em, có lần thấy tôi đến mẹ em xúc động nói:
    - T  ơi! Má thấy cô thương con lắm đó, con phải sống sao cho cô vui lòng nghe, má già rồi, chết nay sống mai, nếu má chết sớm sau này con muốn làm gì phải hỏi ý kiến cô con nghe, xem cô như mẹ vậy, nghe những lời đó tôi thật sự không cầm được nước mắt. Quả thật một năm sau đó mẹ em mất, em bán nhà đi theo anh sinh sống, khỏang vài tháng sau em có tới thăm tôi và hỏi:
-   Cô ơi, em muốn đi học nghề thí công (học không phải đóng tiền, nhưng phải làm cho chủ vài năm không tiền lương), có 2 nghề gò  hàn và sửa máy tàu theo cô em học nghề nào được.
Rất bất ngờ và xúc động khi tôi nhớ lại lời dặn dò của mẹ em, tôi nói em nên học sửa máy, nghề này thông dụng hơn, và em ra về.
   Khoảng hai năm sau em cùng hai em học sinh nửa đến nhà thăm tôi và mời tôi đi ăn chè lạnh lạnh, ăn xong tôi kêu trả tiền em không cho và nói :
-   Cô cho em được mời cô và hai bạn bằng đồng lương đầu tiên em làm được.
Lại một lần nửa em làm tôi thấy ngèn ngẹn trong lòng, ly chè hôm đó làm tôi nhớ mãi, nó ngon ngọt làm sao, nhưng cái ngon và vị ngọt ở đây không phải do ly chè mà nó xuất phát  từ tấm lòng của em học sinh bé nhỏ thân yêu của tôi.
Từ câu truyện của em đã cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm, đó cũng là lý do sau này tôi hay được nhà trường giao chủ nhiệm toàn lớp có học sinh cá biệt, đối với tôi, học sinh nào cũng có cái đáng yêu của nó, là giáo viên phải đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em tìm cách giải quyết một cách có tình có lý thì sẽ thành công trong công việc.
    Vậy đó, cứ mỗi khi đến năm học mới hoặc vào ngày 20/11 thì tôi bồi hồi nhớ lại kỉ niệm sâu sắc này- một kỉ niệm không bao giờ tôi quên được.



2 nhận xét:

  1. sống ở trên đời phải có 1 tấm lòng ! cảm ơn bạn đã chia sẻ 1 mảnh đời , một câu chuyện thật xúc động . hy vọng rằng từ câu chuyện này sẽ có nhiều cánh tay rộng mở để chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn đang còn rất nhiều ở chung quanh ta

    Trả lờiXóa
  2. Đúng vậy anh ạ, hiện nay cũng còn nhiều mãnh đời bất hạnh(tuy ít hơn trước nhiều), nếu chịu khó mở rộng tấm lòng thì chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta hạnh phúc hơn khi ta đã mang lại hạnh phúc cho người khác.

    Trả lờiXóa